Bối cảnh Vương_Đình_Huệ_từ_chức_Chủ_tịch_Quốc_hội

Các sai phạm tại Tập đoàn Thuận An

Vào tối ngày 15 tháng 4 năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố nhiều cán bộ có liên quan đến các sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (gọi ngắn: Tập đoàn Thuận An). Trong đó bao gồm, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn do ông Nguyễn Duy Hưng sáng lập và nhiều cán bộ ở tỉnh Bắc Giang.[1][2] Tổng cộng đã có 5 người bị bắt giữ trong lúc quyết định khởi tố được công bố.[2] Đến ngày 22 tháng 4, C03 tiếp tục công bố khởi tố bổ sung, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà – người giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.[3][4] Tuy vậy, thông tin về việc bắt giữ ông đã được các cơ quan truyền thông hải ngoại như Người Việt cho rằng việc bắt giữ xảy ra sau khi ông Vương Đình Huệ cùng đoàn cán bộ của mình trở về Hà Nội sau chuyến thăm Bắc Kinh.[5] Các cơ quan truyền thông này cũng cho rằng việc ông Vương Đình Huệ sang thăm Trung Quốc trong thời gian này là nhằm để đi "cầu viện" nước này để giữ vị trí của mình trong Quốc hội Việt Nam.[6] Trong Điều 7, Quy định 41 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng quy định cán bộ có thể sẽ phải căn cứ miễn nhiệm, từ chức do các vấn đề liên quan đến "trách nhiệm của người đứng đầu". Quy định này đã được Bộ Chính trị ban hành và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký vào tháng 11 năm 2021.[7]

Chiến dịch đốt lò

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã khởi xướng chiến dịch đốt lò.

Đến năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến dịch phòng chống tham nhũng mang tên "đốt lò" được khởi xướng bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.[8][9] Chiến dịch được khởi xướng sau giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng khiến nhiều người cho rằng việc tham nhũng đang được tạo điều kiện phát triển ở Việt Nam.[9] Kể từ năm 2022, chiến dịch này đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.[10] Trước đó, trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam.[11] Đến tháng 11 cùng năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 41 với Điều 7 quy định các cán bộ có thể sẽ phải xem xét từ chức, miễn nhiệm do liên quan đến "trách nhiệm của người đứng đầu" do các sai phạm của cấp dưới.[7] Cũng chính vì lý do này mà nhiều cán bộ cấp cao tại Việt Nam đã phải từ chức do các sai phạm của trợ lý mình như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam do liên quan đến các sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.[12] Sau đó là việc ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức với lý do tương tự khi để nhiều cán bộ cấp dưới của mình vi phạm.[13] Đến tháng 3 năm 2024, các sai phạm xung quanh Tập đoàn Phúc Sơn cũng đã bị phát giác khiến cho nhiều cá nhân bị bắt giữ và bao gồm sự từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.[14] Chỉ trong năm 2023, đã có tổng cộng 459 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng.[11] Tuy nhiên, cũng có nhiều cáo buộc cho rằng chiến dịch đang được sử dụng cho mục đích chính trị nhằm tranh giành quyền lực nội bộ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu phủ nhận cáo buộc này.[15]

Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14

Vào năm 2021, Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.[16] Ông là 1 trong 10 trường hợp "đặc biệt" đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[17] Vào năm 2024, ở độ tuổi 79, sức khỏe của ông Trọng được cho là suy giảm. Hồi ngày 14 tháng 4 năm 2019, khi ông Trọng đắc cử nhiệm kỳ thứ hai cũng được cho là bị đột quỵ khi đang công tác tại Kiên Giang. Trong nhiều lần công khai sức khỏe với báo chí, ông Trọng cũng khẳng định bản thân mình "không khỏe lắm".[18] Trước khi bế mạc Đại hội lần thứ 13, ông Trọng cũng có phát biểu về tình hình sức khỏe của mình, "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành".[19] Theo truyền thông phương Tây, vì ảnh hưởng sức khỏe và ở giai đoạn tuổi tác cao, nhiều khả năng cao ông không thể tiếp tục nhiệm kỳ mới với vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, nhiều đối thủ bắt đầu chen chân hạ bệ nhau để tranh giành quyền lực và kế nhiệm ông Trọng.[20][21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vương_Đình_Huệ_từ_chức_Chủ_tịch_Quốc_hội https://dantri.com.vn/phap-luat/bat-chu-tich-va-to... https://web.archive.org/web/20240417040502/https:/... https://web.archive.org/web/20240418074806/https:/... https://web.archive.org/web/20240412205337/https:/... https://web.archive.org/web/20231218045121/https:/... https://web.archive.org/web/20240414231710/https:/... https://web.archive.org/web/20240321081408/https:/... https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tap-trung-luc... https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam... https://www.reuters.com/world/asia-pacific/once-be...